Để nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy vai trò của HTX nhằm phát triển các mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn, an toàn, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao.
HTX rau quả và dược liệu An Thịnh Phát (xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) đang là một trong những điển hình trong ứng dụng công nghệ cao vào vào sản xuất, cho giá trị kinh tế vượt trội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Chuyển mình nhờ sản xuất hiện đại
Hơn 5 năm qua, HTX lần lượt ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, đem lại sản phẩm tươi ngon, chất lượng, bảo đảm an toàn.
Đến nay, 100% diện tích sản xuất của HTX được ứng dụng công nghệ cao, từ khâu chọn giống, gieo hạt, ươm mầm, đến trồng thương phẩm. Nhờ luôn quan tâm đến việc sản xuất sạch, an toàn, năng suất và giảm nhân công lao động nên việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới, cũng được HTX ưu tiên hàng đầu.
Tương tự, tại HTX nấm Nam Hàn (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi), công nghệ cao cũng đang được ứng dụng hầu hết các khâu từ chăm sóc đến thu hoạch, bao gồm cả khâu khó nhất là nhân giống, nuôi cấy phôi nấm.
Ông Phạm Văn Khá, Giám đốc HTX Nam Hàn, cho biết: “HTX thành lập từ năm 2017, duy trì gần 10 nghìn m2 trồng nấm công nghệ cao trong trang trại khép kín. Hiện, HTX đang có nhiều loại máy móc hiện đại như máy đảo nguyên liệu tự động, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống theo dõi nhiệt độ, độ ẩm…”.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, HTX hạn chế tối đa tác động của thời tiết, duy trì sản xuất bốn mùa, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã vượt trội. Các sản phẩm chủ lực như nấm rơm, nấm sò yến, nấm sò nâu, nấm sò trắng… được HTX sản xuất theo quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhiều năm nay HTX xuất bán sản phẩm ổn định cho thị trường Hà Nội, sản lượng 3 – 5 tấn/tháng.
Những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang là điểm tựa để ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng.
Theo khảo sát, hiện giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh Hưng Yên đạt bình quân 230 triệu đồng/ha/năm, cao gần gấp đôi so với năm 2019. Đó là kết quả của những chính sách được triển khai rộng rãi trong thời gian qua như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Nâng “chất” sản xuất nông nghiệp
Cũng nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, thời gian qua, nhiều nông dân ở Hưng Yên được “giải phóng” sức lao động. Đơn cử, trong sản xuất lúa, nhờ áp dụng phương pháp mạ khay cấy máy, người nông dân đã giảm được chi phí sản xuất rất lớn, tiết kiệm được giống, đặc biệt là ít tốn nhân công.
Theo tính toán của các hộ nông dân, chi phí 1 sào Bắc Bộ (360m2) với lúa tẻ là 250 nghìn đồng, lúa nếp là 280 nghìn đồng với mạ khay cấy máy. Trong khi đó, nếu thuê lao động phải mất khoảng 400 nghìn đồng/sào. Như vậy, chi phí thuê máy cấy chỉ bằng 2/3 so với phương pháp thủ công. Không những thế, phương pháp này rất thuận tiện cho việc chăm sóc và lúa ít bị sâu bệnh.
Bên cạnh áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhiều nông dân ở Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng năm 2022, toàn tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi được 940 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác, nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn, đạt 100% kế hoạch, nâng tổng diện tích đất đã chuyển đổi lên 18.990 ha.
Cây trồng lâu năm phát triển tốt, sản lượng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, nhãn đạt khoảng gần 50.000 tấn, tăng 16,9%, vải đạt trên 15.000 tấn, tăng 22,1%, cam đạt trên 35.000 tấn, tăng 0,2%. Ước tính đàn trâu tăng 4,4%, đàn bò tăng 2,1%, đàn lợn tăng 2,4%; đàn gia cầm giảm 0,03%. Chất lượng con giống được nâng cao theo hướng năng suất, chất lượng.
Trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023, tỉnh Hưng Yên tiếp tục rà soát, bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh chú trọng phát triển sản xuất trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu chuyển đổi 940ha các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để đạt mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng được ngành nông nghiệp tỉnh đề ra là phát huy vai trò của các HTX, đặc biệt là các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi.
Đến nay, toàn tỉnh có 44 HTX nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ nâng cao giá trị sản xuất 25-50%, các HTX đang thay đổi tư duy canh tác của thành viên, nông dân, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững tại các địa phương.
Thời gian tới, thông qua các chương trình, mô hình, dự án của các cấp trong lĩnh vực kinh tế tập thể, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp đầu tư hiện đại hoá trang, thiết bị để tiếp cận, chuyển giao, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ liên quan tới quy trình sản xuất giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích các HTX chủ động học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP theo hướng tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.